BÙI BÁ TUÂN
(Tiểu luận)
TÌNH CẢM GIA
ĐÌNH
TRONGTHƠ, THƠ DÂN GIAN
TRONGTHƠ, THƠ DÂN GIAN
VIỆT NAM
Nhà
xuất bản Lao Động, 2012
LỜI
NÓI ĐẦU
Thi ca là ngôn ngữ của tâm hồn, lấy nghệ thuật khai thác sử dụng tiết
tấu, nhịp điệu âm tiết của các con chữ khơi dậy nguồn cảm hứng trong lòng người
đọc. Thi ca bao hàm các thể như thơ, thơ gia huấn, thơ dân gian... và phong phú
qua các hình thức diễn ngôn, diễn xướng, ngâm, vịnh, kể, đọc, khẳng định tính
phổ quát rộng lớn trong quần chúng lao động. Đồng thời tự bản chất, thi ca là
sản phẩm đặc biệt của quá trình lao động trí tuệ và là nhu cầu không thể thiếu
trong sinh hoạt tình cảm, trong cuộc sống, lao động và tranh đấu của người Việt.
Với nét đặc thù riêng có, ngôn ngữ thi ca trở lên gần gũi với đời sống sinh
hoạt thể chất, tinh thần của mọi lớp người trong xã hội và đặc biệt gắn bó với tầng
lớp nhân dân lao động, trở thành một bộ phận quan trọng cấu thành nên nền văn
học Việt. Nội dung phản ánh của thơ ca vô cùng rộng rãi, từ những khía cạnh đời
sống, sinh hoạt thường ngày mang tính vi mô cho đến cấu trúc vĩ mô của các mối
quan hệ con người, xã hội qua việc phản ánh chân thực, sống động những khái
niệm cuộc sống, xã hội, lịch sử, và biểu đạt thái độ ứng xử, tình cảm của con
người đối với những vấn đề nóng bỏng, thiết thực nhất của cuộc sống, lao động,
sinh hoạt giao tiếp.
Lời Mạnh Tử đã bàn: “Thiên hạ gốc ở nước, nước gốc ở nhà, nhà gốc ở
thân mình. Như vậy ngoài bản thân ra thì nhà là gốc của cả nước và thiên hạ...”,
mà khái niệm thi ca là sản phẩm sáng tạo của trí tuệ mang tính đặc thù của mỗi
cá nhân, vì vậy ngôn ngữ thi ca sẽ phát triển và gắn bó mật thiết với các mối
quan hệ tình cảm trong gia đình, trong xã hội bởi mỗi một thể chế chính trị hay
mô hình phát triển xã hội đều lấy gia đình là nòng cốt, và gia đình lại khởi
thuỷ ý thức tự gắn bó trong tâm thức mỗi thành viên (thân), và vai trò gia đình
từ xa xưa đã được đề cao đặc biệt. Có thể thấy từ Khổng giáo đã nhận thức rất tường
tận vấn đề này. Theo nhà nghiên cứu Quang Đạm trong cuốn “Nho giáo xưa và nay”:
“Nói đến cương thường, luân lý, chúng ta đều biết rằng, trong ba cương thì có
hai cương là thuộc phạm vi gia đình. Trong năm luân thì gia đình bao gồm ba
luân. Chỉ có vua tôi và bạn bè là ở ngoài phạm vi ấy. Như vậy đối với đạo lý
Nho giáo, gia hoặc nhà là một phạm trù triết học chính trị rất quan trọng, nắm
đúng phạm trù ấy của Khổng, Mạnh là một trong những điều cần thiết bậc nhất để
hiểu rõ quan niệm Nho giáo về con người, về đạo đức và về cuộc sống”. Đồng thời
Quang Đạm còn chỉ rõ: “... Lấy một cái mốc có ý nghĩa quan trọng nhất theo đạo
lý xã hội học của mình mà nói thầy trò Trọng Ni chỉ tính đến nhà, nước, và
thiên hạ.... Có thể thấy vai trò của gia đình có gắn bó mật thiết với mỗi cá
nhân đến mức nào. Đương thời, nhà văn Ma Văn Kháng cũng đưa ra một mô hình khái
niệm về gia đình qua mối quan hệ gắn bó tâm thức con người, ông cho rằng: “Gia
đình, cái đơn vị xã hội nhỏ nhất của xã hội loài người, mặc những biến động
lớn, nhỏ, mặc sự tan rã có khi của cả một tập thể cộng đồng lớn này khác, vẫn
cứ tồn tại và vững bền!”. Các học giả phương tây thì định nghĩa tương đối thiết
thực với những đặc diểm của nó, học giả Rodney D.Elliott và Don H. Shamblin đã
trình bày trong cuốn sách “Society in transtion”, Preltice Hall, New Jersey
xuất bản năm 1992 viết: “Một định nghĩa về gia đình. Các thể chế gia đình và
thân tộc trong tất cả các xã hội là những tổ chức người, coi các thành viên của
họ là có quan hệ với nhau do tổ tiên, do hôn nhân và do việc nhận con nuôi,
điều tiết bằng chuẩn mực sự giao phối sinh học, sự tái sinh sản sinh học và sự
xã hội hoá đầu tiên các trẻ em, phân chia lao động gia đình và xếp đặc sự thừa
kế tài sản địa vị, danh vị và quyền lực. các gia đình trong mọi xã hội đều hoàn
thành mọi nhiệm vụ, hay là chức năng ấy bằng cách các con đường khác nhau. Các
xã hội loài người biến đổi nhiều về những vấn đề như người nào được xác định là
họ hàng thân tộc... ”
Đặc trưng của mối quan hệ tình cảm trong gia đình cũng là mối quan tâm
và trở thành mảng đề tài thu hút nhiều tâm huyết của các tác giả qua từng tác
phẩm bằng ngôn ngữ thi ca, với quan niệm tình cảm gia đình là cội nguồn cho mọi
hoạt động của cá nhân và cũng là động lực để thúc đẩy phát triển xã hội, gắn
liền sự hùng cường của quốc gia, sự bền vững của dân tộc với mối liên hệ tình
cảm trong gia đình bền vững.
Trong thơ đương đại, mô hình tình cảm gia đình thường lấy cơ sở hạnh
phúc cá nhân (thân) làm chủ thể trữ tình, lấy nguồn cảm hứng chủ đạo cũng như
các mối quan hệ tình cảm có ảnh hưởng thiết thực tới hạnh phúc cá nhân làm đề
tài phản ánh. Thơ gia huấn, chủ yếu là các bản gia huấn từ thế kỷ XIIIV đến nay
còn lưu truyền xuay quanh mảng chủ đề giáo dục mối quan hệ trong gia đình, dòng
tộc, theo mô hình gia đình gia trưởng - với các đặc trưng truyền thống, gắn bó
chặt chẽ với tác phong nông nghiệp và nền văn minh lúa nước, phát triển trong
môi trường cộng đồng làng xã, hội tụ đầy đủ các yếu tố cấu thành một xã hội thu
nhỏ, kiểu mẫu của gia đình phụ quyền với vai trò của người đàn ông được đề cao
và hưởng nhiều quyền ưu đãi nhất, theo cách thức cha mẹ được quyền quyết định
số phận của con cái, theo tư tưởng của Nho gia. Thơ dân gian thường xoay quanh
mối quan hệ tình cảm gia đình trong sinh hoạt đời sống, lao động thường ngày
của lớp bình dân, chủ yếu là sự phản kháng của người phụ nữ, do ít quyền lực và
chịu nhiều áp chế từ gia đình và xã hội, họ gửi gắm tâm tư tình cảm của mình
vào những lời ca có vần vè dễ nhớ, dễ truyền khẩu mong giãi bày nỗi niềm của
mình.
Thơ, thơ gia huấn và thơ dân gian phản ánh mối quan hệ tình cảm gia
đình tuy có khác nhau ở góc độ thể hiện, và mức độ phổ quát, biểu đạt nhưng đều
có mối liên hệ mật thiết về thi pháp nghệ thuật và không phải lúc nào cũng tách
bạch rạch ròi như một phạm trù hay một khái niệm đơn thuần, với đặc điểm dễ
nhận biết và có thể phân biệt qua giọng điệu ngôn ngữ thi ca sử dụng. Nếu trong
thơ và thơ gia huấn hướng vào tính trải nghiệm, đúc kết, khái quát hoá sự kiện,
sự việc, chú ý đến tính cấu trúc của ngôn ngữ, cô đọng, súc tích, thì ở thơ dân
gian do có thiên hướng khai thác triệt để mối quan hệ tình cảm nảy sinh từ cuộc
sống gia đình, với đặc thù thiên về phản ánh những tâm tư, tình cảm tốt đẹp, đầy
đủ, chi tiết và rốt ráo những nguyên nhân và hệ quả xung đột nảy sinh từ quá
trình diễn ra các mối quan hệ tình cảm gia đình, giữa các thành viên trong gia
đình một cách nôm na, ngắn gọn, dễ thuộc, dễ nhớ và dễ lưu truyền. Qua các đặc
điểm tương đối đó, trong cuốn sách nhỏ này, tác giả tạm quy thơ và thơ gia huấn
trong cùng một khái niệm “thơ” theo phạm trù sáng tạo, là đối tượng xuất hiện
sự đảm bảo sở hữu cá nhân (tác giả), và khác với thơ dân gian không có sự đảm
bảo đó.
Trong thơ ở giai đoạn trước cách mạng, phần lớn nguồn xúc cảm phản ánh
những xung đột mang tính bản năng, nặng về khuôn phép giáo điều (thơ gia huấn)
và ngôn ngữ thi ca là tiếng nói của số phận vang lên từ những kiếp người bị đè
nén, bị kiềm chế đến cùng cực bởi các quy tắc sống buộc phải tuân thủ, nó phản
ánh thân phận con người đau đáu khát khao hạnh phúc, hướng tới nhân sinh, như
nàng Kiều trong “Kim Vân Kiều” của Nguyễn Du, như các cung nữ trong “Cung oán
Ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều, hoặc tâm tư nhớ chồng thao thiết của người vợ
ngóng chồng trong “Chinh Phụ Ngâm” của Đoàn Thị Điểm với đặc thù tư tưởng hướng
về đại chúng, hay các thi nhân trong phong trào thơ mới với cái tôi bản/cá thể
được đề cao thì sau cách mạng, ngôn ngữ thi ca như được lột xác, với lớp lớp
những nhà thơ chiến sĩ, cuộc cách mạng gia đình trong văn học dường như được
khơi lại, giá trị gốc của gia đình là bản thân được trả về đúng nghĩa, tình cảm
tươi mới trong các mối quan hệ gia đình được khai thông, bung oà trên trang
giấy với tâm tư tình cảm trong sáng, thuần khiết, sáng tạo đầy dấu ấn cá nhân của
chủ thể sáng tạo và cái tôi cá thể đã được thay thế bằng cái tôi tập thể của
quần chúng.
Tìm hiểu mối quan hệ tình cảm trong gia đình, biểu hiện qua thơ (các
bản thơ gia huấn của các tác gia thế kỷ XIX, XX như Nguyễn Huy Oánh, Bùi Huy
Bích và thơ của các tác giả Huy Cận, Nguyễn Bính, Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy, Đồng
Đức Bốn, Đoàn Thị Lam Luyến, hay một số nhà thơ, tác gia khác) và thơ dân gian (trích
từ tài liệu khảo cứu về “Mối quan hệ gia đình trong ca dao, tục ngữ Việt Nam”
của Trần Thị Bảy), sẽ giúp chúng ta tìm ra những giá trị đạo lí cổ truyền, cùng
văn hoá ứng xử tinh tế, các hình thức phản ứng linh hoạt biểu hiện mối quan hệ
tình cảm trong gia đình, đồng thời làm nổi bật và sáng tỏ tính chân lý của
truyền thống ứng xử nhân bản, nhân văn của dân tộc Việt ngàn năm bồi đắp dựng
xây nên, mà nền giáo dục hiện đại cần lắm sự kế thừa phát triển giữ gìn, bảo vệ
và xây dựng văn hoá truyền thống, phù hợp với tốc độ phát triển của thời đại
công nghệ mới và kỹ thuật cao hiện nay.
Công trình khảo cứu có thể còn nhiều khiếm khuyết do thời gian và năng
lực hạn chế chúng tôi mong nhận được sự góp ý quý giá từ đồng nghiệp và quý vị
bạn đọc.
Trân trọng
cảm ơn!
No comments:
Post a Comment