Kết luận
Tóm lại, ta
có thể thấy từ xa xưa, mối quan hệ tình cảm giữa mẹ chồng và nàng dâu trong gia
đình là rất nhạy cảm. Ở chế độ hôn nhân gả bán, nàng dâu về nhà chồng trong
quan niệm mọi người là “bị mua về”, nên nhà chồng, đặc biệt là bà mẹ chồng với
tư cách “nội tướng”, tay hòm chìa khóa sẽ có quyền uy tuyệt đối đối với nàng
dâu. Thứ nữa quy định khắt khe của luân lý trong đạo đức xã hội buộc nàng dâu
phải theo chồng, phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình chồng khi nàng dâu tỏ ý chống
đối hay làm trái mẹ chồng, người mẹ có thể đuổi nàng dâu ra khỏi cửa, hoặc ép
con trai bỏ vợ, cưới con dâu khác. Ở hôn nhân tự nguyện, tư thế nàng dâu về nhà
chồng đã khác hẳn, hầu hết khi bước lên xe hoa các nàng dâu đã ở vào tuổi đã
trưởng thành, nhiều người có học vấn, có việc làm, có tài sản riêng, được pháp
luật bảo vệ. Họ về làm dâu trong tình yêu đôi lứa, tự nguyện sống chung, vì thế
áp lực của các bà mẹ chồng cũng giảm đi nhiều trong việc quyết định hạnh phúc
riêng tư của con cái. Và vai trò mẹ chồng cũng bớt đi phần nào quyền lực tuyệt
đối với hạnh phúc của con trai và con dâu trong gia đình, nhưng không phải vì
thế mà mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu sẽ hóa giải được hết mọi xung đột, mâu
thuẫn, nó vẫn tàng ẩn trong tâm tư mỗi người phụ nữ trong cuộc sống gia đình,
nếu một trong hai người không có sự đồng thuận cảm thông thì xung đột sẽ được
dịp bùng phát, khiến người chồng lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười khi phải
lựa chọn ngả về bên vợ hay về bên mẹ. Dù có thiên lệch về bên nào trong cuộc
xung đột mẹ chồng với nàng dâu, vai trò của người con trai, người chồng cũng
đều bất lợi. Vì thế để dung hòa không khí căng thẳng trong gia đình, đòi hỏi
mỗi thành viên đều phải cố gắng gìn giữ và biết nhẫn nhịn, tôn trọng nhau trên
cơ sở bình đẳng tình cảm, cảm thông chia sẻ và quan trọng nhất biết rũ mọi mặc
cảm, thành kiến với các thành viên khác trong gia đình.
Bên cạnh
đó, quan hệ tình cảm con cháu và ông bà, cha mẹ, cũng rất phức tạp ở các sắc
thái biểu hiện, nhất là ngày nay do ảnh hưởng của mô hình gia đình hiện đại, nên
nền nếp kỷ cương, gia phong, gia đạo đã không còn được con cháu tuân thủ triệt
để như trước. Lớp con cháu với phong cách sống tự do quá trớn đã hình thành lối
sống lệch lạc, vô tổ chức, thoát khỏi sự ràng buộc, kiểm soát của ông bà, bố mẹ,
con cháu coi đó là cách tốt nhất để tự giải phóng mình khỏi ảnh hưởng của những
tư tưởng lạc hậu, lỗi thời. Mâu thuẫn giữa bố mẹ với con cái, ông bà và các cháu ngày nay thường diễn ra gay
gắt, mang tính thế hệ bởi lớp trẻ thường cho mình là thức thời, người cao tuổi trong
gia đình lại có nếp nghĩ bảo thủ, nên dẫn tới hệ quả là con cháu thường có thái
độ giao tiếp thiếu cầu thị với ông bà, cha mẹ. Đây là nguyên nhân khiến khái
niệm mái ấm gia đình bị làm mờ nhạt dần trong thế hệ các con, cháu. Để dung hòa
mâu thuẫn này, rất cần tới ý thức và nỗ lực phấn đấu của từng thành viên trong
gia đình nhằm củng cố lại gia phong, gia đạo, cần có tinh thần tự nguyện, tự
giác cởi mở với nhau trước mọi vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.
Với quan hệ
tình cảm vợ chồng, dù là vợ hay chồng mỗi người đều có một con tim và một khối
óc, và vì thế, tuy là vợ chồng nhưng mỗi người đều có những suy nghĩ và cảm
nghiệm khác nhau. Đa số những cuộc cãi vã, chửi bới nhau, hoặc xích mích, bất
bình giữa vợ chồng đều đến từ nguyên nhân này: Đó là sự thiếu thông cảm và hiểu
biết nhau. Nói một cách dễ hiểu là hiểu lầm nhau. Khi phủ nhận tình cảm và chủ
ý tốt của người mình yêu, là ta đã hành động một cách hết sức tiêu cực, thiếu
hiểu biết và thiếu trách nhiệm. Đặc biệt, khi người chồng hoặc người vợ càng
yêu ta nhiều, càng quan tâm đến ta nhiều mà chỉ nhận lại sự nghi ngờ, hoặc
những lời bình luận tiêu cực, thì đau khổ đó sẽ càng tăng gấp bội. Tuy nhiên,
những bất bình, xung khắc và tranh cãi giữa vợ chồng là những gì có thể tránh
hoặc khắc phục được. Do đó, vợ chồng phải có với thái độ lắng nghe và chia sẻ.
Chỉ khi nào ta mở rộng lòng mình lắng nghe với thái độ kính trọng và yêu
thương, lúc ấy ta mới khám phá ra tình yêu mà chồng hay vợ mình dành cho mình;
mới hiểu rằng, phê phán, trách móc, hoặc nghi ngờ là những hành động tội lỗi,
hết sức xấu xa và nguy hiểm. Tâm lý hôn nhân gia đình cho việc vợ chồng lắng
nghe và nói với nhau một cách thành thật, tôn trọng là một phương pháp tốt
nhất, hữu hiệu nhất trong việc hàn gắn và hóa giải những xung khắc trong gia
đình.
Qua nghiên
cứu mối quan hệ tình cảm anh em trong thơ, ta thấy được mối mâu thuẫn lớn nhất thường
xuất phát từ nguồn gốc tiền tài hay gia sản thừa kế, mà biểu hiện dễ nhận thấy
là khi còn ở với cha mẹ, thì người thân thiết nhất của mình là cha mẹ và các
anh chị em ruột thịt trong nhà, nhưng khi lập gia đình, sinh con có tài sản
riêng thì mối quan hệ ấy lại phải chia sẻ (cho chồng, vợ và những đứa con), vì
thế mà tình cảm giành cho các anh em ruột thịt bị giảm đi là điều tất yếu.
Ngoài ra, sự xuất hiện của những người không cùng máu mủ, huyết thống (anh rể,
chị dâu) cũng là nguyên nhân gây ra những bất đồng trong lối sống, làm giảm đi
sự thân thiết thậm chí trở thành đố kỵ, thù ghét giữa anh em ruột thịt với
nhau.
Qua tất cả
các dẫn chứng ở trên, có thể minh chứng rõ ràng, các mô hình gia đình Việt Nam đã
từng tồn tại và được xây dựng trên cùng một cơ sở là các mối quan hệ tình cảm,
máu thịt, thiêng liêng, bền vững mang tính huyết thống, dòng tộc. Trong tâm
tưởng người nghệ sĩ dân gian khi chọn các mối quan hệ tình cảm trong gia đình
làm đối tượng nghiên cứu và phản ánh đều có chung quan niệm gia đình là định
chế đầu tiên của con người, tức định chế quan trọng nhất của loài người, thông
qua gia đình, mỗi người sẽ được lãnh nhận gia tài ngôn ngữ, văn hóa, luân lý,
với giá trị cốt lõi là tình thương yêu đùm bọc, che chở. Nhờ vậy những nghệ sĩ dân
gian đều có con mắt nhìn vào thực tế, họ nhìn thấu suốt các mối liên hệ tình
cảm biểu hiện ở mỗi con người sống trong gia đình, và họ thể hiện được ý thức
đó vào hiện tượng, cho bản thể sống trong hiện tượng và trở thành hiện tượng
của bản thể khi giao tiếp với cuộc đời, đã trở thành triết lý sáng tạo của họ.
No comments:
Post a Comment